Phỏng bô xe máy thường để lại những vết sẹo “còn mãi với thời gian”. Nếu biết cách xử lý ngay lập tức, “hậu quả” do phỏng bô không còn đáng sợ. Bài viết hướng dẫn chi tiết cách sơ cứu và điều trị sẹo do phỏng bô cũng như các vết thương do phỏng khác.
Bước 1: Sơ cứu ngay lập tức (trong vòng 10 phút sau khi bị phỏng)
Các chị bằng mọi cách hãy đổ nước ngay vào chỗ bị phỏng.
Một vài chị sẽ phản đối rằng “ôi đang phỏng mà đổ nước lên thì rát lắm”, hoặc tỏ ra bi quan “phỏng thì đã phỏng rồi, đổ nước lên có làm được gì”. Ít ai biết rằng chính nhờ nước mà vết phỏng sẽ bớt nghiêm trọng và giảm khả năng để lại sẹo sau này đấy ạ.
Nước giúp hạ nhiệt vùng da bị phỏng ngay lập tức, các tế bào da ít bị tổn thương hơn, vết thương sẽ càng nhẹ và dễ điều trị.
Nhưng… lúc đó thì lấy đâu ra nước?
Đơn giản lắm. Các chị hãy nhìn xung quanh tìm xem có chỗ nào bán nước ven đường, quán cà phê hoặc thậm chí xe bán nước dừa (thời buổi kinh tế suy thoái thì số người bán nước bên đường càng tăng hơn nữa) rồi mua ngay chai nước suối ướp lạnh (trà xanh không độ hoặc nước dừa cũng được) để đổ lên vết phỏng. Đổ càng lâu càng tốt nhé.
Không tìm được chỗ có nước, các chị có thể vào ngay nhà thuốc gần đó mua chai xịt phỏng (tên là Xethanol, dạng xịt hoặc dạng bôi, khoảng 90k) để xịt/thoa lên vết bỏng. Xethanol giúp làm dịu vết thương, kháng viêm đồng thời ngăn ngừa sự bội nhiễm (bội nhiễm nghĩa là vết thương nặng thêm do những nguyên nhân khác như nhiễm trùng).
Đây là bước rất quan trọng và cần thực hiện ngay trong vòng 10 phút. Quá thời gian trên thì hiệu quả mang lại sẽ thấp.
Bước 2: Điều trị vết thương (từ 1-3 ngày sau khi bị phỏng)
Sau khi sơ cứu xong, các chị nên đến cơ sở y tế đáng tin cậy để điều trị.
Tuy nhiên nếu không thể đến cơ sở y tế, hoặc nếu vết phỏng nhẹ thôi thì có thể tham khảo hướng dẫn dưới đây:
• Không nên chọc vỡ bóng nước (nếu có).
• Rửa vết phỏng bằng nước muối sinh lí (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch Providine 10% (nước chứa Iot).
Nước muối sinh lí mua tại nhà thuốc và xem kĩ nhãn ghi trên chai (trên thị trường có bán nước muối sinh lí giả, làm từ nước bẩn, rất nguy hiểm).
Chị nào dị ứng với Iot, đang mang thai hoặc cho con bú thì đừng dùng Providine nhé.
Không được rửa bằng nước oxy già, thuốc đỏ hoặc cồn y tế vì có thể gây chết mô hạt, để lại sẹo xấu. Nước oxy già thường được dùng để cầm máu cho vết thương nhẹ.
• Thoa thuốc kháng khuẩn lên vết thương.
Các chị có thể mua Xethanol (90k/týp) hoặc dầu mù u (khoảng 8k/týp 10g, khá công hiệu). Xethanol có tác dụng kháng khuẩn và giảm đau, nên thường được dùng trong bước 2 (2-3 ngày đầu). Dầu mù u có tác dụng giảm đau, kháng khuẩn, làm lành vết thương và lành sẹo nữa nên có thể được dùng trong cả bưới 2 và bước 3.
Nếu nhà có mật ong loại tốt, các chị cũng có thể bôi mật ong vì mật ong giúp làm lành vết thương và kháng khuẩn tốt.
• Khi có việc phải đi ra ngoài, nên băng lại bằng gạc mỡ vaseline (tức là loại băng gạc có thoa vaseline giúp không bị dính vào vết thương, kích thước cỡ bàn tay). Một loại gạc mỡ vaseline ở nhà thuốc có bán là Urgotul. Chỉ băng hờ, không nên băng quá chặt hay quá kín vì có thể gây sừng hóa da non (sẹo nhăn nheo, sậm màu).
Nên mặc váy hoặc quần lửng (quần ngố) để tránh cọ xát vào vết thương, sẽ lâu lành.
Hạn chế đi lại tối đa nếu có thể. Đi lại nhiều vết phỏng sẽ lâu lành.
Bước 3: Cách trị sẹo do phỏng bô
Sau khi vết thương đã bắt đầu kéo mày và lên da non thì có thể trị sẹo bằng cách:
• Thoa vitamin E lên vết phỏng đã kéo mày. Hiện nay Dermal-E là một trong những sản phẩm vitamin E tốt nhất trên thị trường, dạng viên nang. Dermal-E có giá khá mắc (khoảng 180k/vỉ 10 viên, mỗi viên dùng được 2-3 ngày).
• Một số loại thuốc trị sẹo khác như Dầu mù u (giá rẻ, khoảng 8-10k/týp), Contratubex (của Đức, giá khoảng 100k), Madecassol (dạng týp bôi hoặc thuốc uống, chiết xuất chủ yếu từ cây rau má) là lựa chọn kinh tế hơn viên Demal-E.
• Nếu không mua được các loại thuốc trên, có thể dùng nghệ tươi, bột nghệ hay kem nghệ để thoa trị sẹo. Nghệ tươi tốt hơn bột nghệ. Nên chọn mua củ nghệ đỏ (ruột màu cam sậm, vỏ óng ánh nên còn gọi là nghệ xà cừ, nghệ Tàu). Rửa sạch củ nghệ tươi, dùng dao sạch cắt lát, áp vào vết thương, không cần giã hay mài.
• Tránh tiếp xúc với ánh nắng sau 8h sáng vì tia tử ngoại trong ánh nắng có thể làm sẹo bị thâm.
Lưu ý:
• Vitamin E và dầu mù u có thể dùng để điều trị vết thương ngay từ những ngày đầu.
• Các loại kem trị sẹo khác (Contratubex, Madecassol, củ nghệ…) chỉ dùng khi vết thương đã kéo mày, lên da non. Nếu dùng quá sớm (vết thương chưa lành) có thể dẫn đến nhiễm trùng vì các loại kem này không có tác dụng diệt khuẩn, ngược lại còn tạo nên một lớp màng kích thích sự phát triển của vi khuẩn yếm khí trên vết thương.
Đăng nhận xét