MẸO XỬ LÝ KHI NẤM CHẬM RA

2 nhận xét
Trồng nấm tại nhà tuy rất dễ nhưng cũng đòi hỏi một vài kiến thức ở người trồng nấm. Nhiều anh chị mua phôi nấm về, chăm sóc rất đơn giản, nấm vẫn lên đều đều. Trong khi đó, nhiều anh chị gặp phải trường hợp nấm chăm hoài mà không ra.


Chính vì lý do trên, NẤM TRỒNG TẠI NHÀ xin giải thích nguyên nhân và hướng dẫn một vài hình thức xử lý khi nấm trồng tại nhà không lên.
1. Nguyên nhân lớn nhất làm nấm chậm lên hoặc không lên là do PHÔI NẤM BỊ KHÔ. Phôi nấm khô sẽ dẫn đến các tơ nấm khô và do đó không thể hình thành tai nấm. Bên cạnh đó, nấm chậm/ không mọc còn do nguyên nhân phôi nấm bị nhiễm mốc, nấm tạp hoặc bị úng.
2. Khi chăm sóc nấm quá 10 ngày mà nấm vẫn không lên tai nấm hay mầm nấm, thì các anh, chị làm như sau nhé:

TRƯỜNG HỢP NẤM BỊ KHÔ:
- Bước 1: Kiểm tra xem môi trường xung quanh nơi đặt nấm có bị khô và có gió nhiều hay không (ví dụ: bạn để nấm trên sân thượng mà khi bạn đứng trên sân thượng thấy có cảm giác oi nóng). Môi trường khô và nhiều gió sẽ làm phôi nấm bị khô dù bạn có thường xuyên tưới nấm.
- Bước 2: Kiểm tra phôi nấm. Dùng tay cầm bịch phôi nấm và mắt quan sát bịch nấm. Nếu cảm giác hoặc nhìn thấy bịch nấm quá khô thì chứng tỏ tơ nấm không đủ ẩm, do đó không hình thành tai nấm được.
- Bước 3: Xử lý. Bạn nên xem xét 3 cách xử lý sau:
   + Chuyển nấm sang khu vực khác kín gió và bớt nắng nóng hơn. Sau đó dùng ca nước sạch dội đồng loạt lên bịch nấm, lưu ý là chỉ dội bên ngoài, tránh tưới nước vào bên trong bịch nấm. Bên trong bịch nấm nếu chỗ nào đọng nhiều nước thì có thể dùng dao lam khoét lỗ nhỏ để nước thoát ra. Mục đích của việc này là làm mát nấm sau thời gian bị khô. Tiếp tục phun nước cho nấm ngày 3-4 lần, ngày nóng có thể tăng số lần tưới.
   + Nếu không thể chuyển nấm sang khu vực khác, bạn dùng ca nước sạch dội đồng loạt lên bịch nấm, lưu ý là chỉ dội bên ngoài, tránh tưới nước vào bên trong bịch nấm. Tiếp tục phun nước cho nấm ngày 3-4 lần, ngày nóng có thể tăng số lần tưới. Sau đó, bạn dùng bạt hoặc lưới lan xếp nhiều lớp...rồi phủ lên giàn nấm, mục đích của việc này là giữ được hơi nước khi bạn tưới nước.
   + Khi không thể chuyển vị trí đặt nấm sang nơi khác, bạn cũng có thể tháo bịch phôi nấm ra khỏi giàn treo (nếu treo nấm trên giàn) và sau đó xếp nấm vào một góc tường và dùng nước sạch tưới xuống sàn nơi đặt nấm. Việc làm này nhằm mục đích cung cấp độ ẩm cho không phí xung quanh nơi đặt nấm thuông qua hơi nước bốc lên từ sàn nhà. Sau đó tiếp tục chăm sóc nấm như bình thường, phun nước cho nấm ngày 3-4 lần, ngày nóng có thể tăng số lần tưới.
* Lưu ý khi tưới nước: Tưới dạng phun sương, hoặc dội nước đủ làm mát nấm và làm ẩm không khí xung quanh nơi đặt nấm. Tránh tưới trực tiếp vào bên trong bịch. Bịch nấm sau khi rạch sẽ dễ bị nước rơi vào khi tưới. Trường hợp này bạn có thể dùng dao lam rọc vài lỗ nhỏ dưới đáy bịch để thoát nước. Đối với trường hợp nấm bị khô, bạn cần tưới nhiều hơn mức bình thường. Khi tưới, bạn có thể tước nước lên bạt hoặc lưới lan, tường và sàn...giúp tăng cường độ ẩm cho không khí xung quanh nơi đặt nấm.
Phôi nấm bị khô và nứt nẻ

TRƯỜNG HỢP NẤM BỊ MỐC, NẤM TẠP:
- Khi nhận hàng từ NẤM TRỒNG TẠI NHÀ, khách hàng cần kiểm tra hiện trạng phôi nấm. Nếu thấy phôi có màu xanh rêu, màu cam hoặc đen tuyền thì nên báo ngay cho NẤM TRỒNG TẠI NHÀ để đổi. Thời hạn đổi hàng: Trong vòng 10 ngày kể từ lúc NẤM TRỒNG TẠI NHÀ giao hàng cho khách hàng. Những trường hợp bịch nấm bị nhiễm mốc sau 10 ngày kể từ ngày NẤM TRỒNG TẠI NHÀ bàn giao cho khách hàng sẽ không được đổi nấm vì trường hợp này bịch nấm bị nhiễm do môi trường đặt nấm ở nhà khách hàng và cách chăm sóc của khách hàng chưa đúng dẫn đến nhiễm.
- Khi nấm bị mốc, khách hàng cần cách ly bịch nấm bị mốc ra khỏi các bịch khác để tránh lây nhiễm (cách ly càng xa càng tốt). Nếu bịch nhiễm mốc ít, có thể dùng dao bén cắt bỏ cả phần phôi nấm và phần nilon bị nhiễm, phần còn lại có thể chăm sóc tiếp để tận thu. Nếu bịch nấm nhiễm nhiều, nên tiêu hủy.

TRƯỜNG HỢP PHÔI NẤM BỊ ÚNG
- Biểu hiện: Bịch phôi nấm có màu đen, loang lỗ ở một số chỗ, vài chỗ bị đọng nước, dùng tay sờ thì thấy bịch phôi nấm rất mềm, bóp rất dễ vỡ.
- Nguyên nhân: Khi tưới, nước lọt vào bên trong bịch nấm nhưng không thoát ra được, lâu ngày nước thấm vào bên trong phôi nấm làm phôi bị úng, mềm và chết tơ nấm.
- Xử lý: Phôi nấm bị úng sẽ không thể thu hoạch nấm tiếp được, do đó bạn có thể băm tơi ra dùng để bón cây kiểng hoặc dùng làm giá thể trồng rau.
* Lưu ý khi tưới nước: Tưới dạng phun sương, đủ làm mát nấm và làm ẩm không khí xung quanh nơi đặt nấm. Tránh tưới trực tiếp vào bên trong bịch. Bịch nấm sau khi rạch sẽ dễ bị nước rơi vào khi tưới. Trường hợp này bạn có thể dùng dao lam rọc vài lỗ nhỏ dưới đáy bịch để thoát nước.

Nấm bị úng
Bạn cũng có thể treo ngược nấm, quay đầu xuống dưới hoặc đặt nấm nằm ngang để nước không lọt vào khi tưới.
Treo đầu nấm quay xuống để nước khỏi lọt vào khi tưới nấm

NẾU CÓ BẤT KỲ THẮC MẮC GÌ XIN QUÝ KHÁCH HÀNG LƯU LẠI HÌNH ẢNH NẤM VÀ LIÊN HỆ TRỰC TIẾP VỚI NẤM TRỒNG TẠI NHÀ QUA CÁC ĐỊA CHỈ SAU:
www.facebook.com/namtrongtainha
email: dongxanhkh@gmail.com
ĐT: 01649550314






2 nhận xét:

  1. Nam nha minh ra rat nhieu qua the nhung toan ra o cho minh khong rach thui phai lam sao gio

    Trả lờiXóa
  2. như mình trồng nấm bào ngư trong nhà, làm cách nào để giữ ẩm cho môi trường với bịch được ạ

    Trả lờiXóa